Bệnh viêm phổi ở ngựa nguyên nhân và cách điều trị
29/10/14
Bệnh
viêm phổi do vi khuẩn là một bệnh truyền nhiễm có tính địa phương, có ở
hầu hết các nước trên thế giới, thường xảy ra khi thời tiết thay đổi từ
ấm áp sang giá lạnh.Ở
nước ta, từ lâu bệnh viêm phổi ngựa do vi khuẩn vẫn thường xảy ra ở đàn
ngựa các tỉnh miền núi và trung du gây nhiều thiệt hại cho việc phát
triển ngựa. Bệnh đã thấy ở các tỉnh miền núi: Cao Bằng, Lào Cai, Hà
Giang, Sơn La... trong thời gian từ năm 1997 - 2002.
Ở
huyện Bắc Hà - Lào Cai (năm 1996 - 2000) đã có 364 ngựa bị chết do bệnh
viêm phổi truyền nhiễm, tập trung ở các xã miền núi. Ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) trong thời gian từ năm 1997 -
1999 cũng đã có hơn 200 ngựa bị chết do bệnh viêm phổi. Ở huyện Hoàng
Su Phì (Hà Giang) trong thời gian từ năm 1997 - 2000 cũng có 134 ngựa bị
chết do bệnh viêm phổi.
Bệnh viêm phổi ngựa do một số vi khuẩn đường hô hấp gây ra, chủ yếu là Actinobacillus pleuropneumoniae, phối hợp với liên cầu khuẩn Streptococcus equisimilis.
Ngoài ra, một số vi khuẩn khác cũng phối hợp gây bệnh: tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), Gram dương, hiếu khí; vi khuẩn Klebsiella pneumoniae, Gram âm, hiếu khí; đôi khi còn gặp vi khuẩn tụ huyết trùng (Pasteurella hemolitica), Gram âm, hiếu khí.
Các
vi khuẩn trên thường phối hợp gây bệnh viêm phế quản và bệnh viêm phế
quản phổi ở ngựa. Trong ổ dịch viêm phổi ngựa ở Mù Cang Chải (năm 1999),
tác nhân gây bệnh đã được phân lập là Actinobacillus pleuropneumoniae với sự phối hợp của Staphylococus aureus, nhưng ngựa bị viêm phổi ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) lại phân lập được vi khuẩn gây bệnh là Streptococcus equisimilis.
Bệnh lý
Vi
khuẩn xâm nhập chủ yếu qua niêm mạc đường hô hấp khi ngựa hít thở không
khí có mang mầm bệnh. Từ niêm mạc hô hấp trên như mũi, thanh quản, vi
khuẩn đi vào hạch lâm ba ở hầu, hạch lâm ba vùng khí quản phát triển,
tăng số lượng rất nhanh, rồi vào máu, tạo ra độc tố tác động lên thần
kinh trung ương gây ra các biến đổi bệnh lý toàn thân như: sốt cao, xuất
hiện các dấu hiệu thần kinh (run rẩy, đi loạng choạng) kèm theo cơn
sốt, đồng thời vi khuẩn tác động đến các khí quan hô hấp: gây viêm niêm
mạc mũi, viêm khí quản và viêm các thuỳ phổi. Ngựa bệnh thể hiện: xuất
tiết dịch mũi, dịch khí quản, ho và thở khó.
Nghiên
cứu về bệnh viêm phế quản - phổi ở ngựa, P.C.Lefevie (năm 1988) cho
biết: ở ngựa khoẻ trong đường hô hấp vẫn có sẵn vi khuẩn gây bệnh, khi
gặp các điều kiện không thuận lợi (các yếu tố stress) hoặc niêm mạc
đường hô hấp bị tổn thương thì vi khuẩn sẽ xâm nhập vào các khí quan hô
hấp và gây bệnh.
Triệu chứng lâm sàng
Thời gian ủ bệnh: từ 3-5 ngày, từ khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể cho đến khi ngựa xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng đầu tiên.
Ngựa bị bệnh viêm phế quản phổi ở hai thể:
- Thể cấp tính:Sau thời gian nung bệnh, ngựa đột ngột sốt cao 40-41,50C,
bỏ ăn hoặc ăn kém, mắt lờ đờ, nước mũi, nước mắt chảy nhiều. Sau đó thở
khó và thở nhanh, ho tăng dần, cuối cùng ngựa bệnh nằm gục không đứng
dậy được. Ở mũi và miệng ngựa bệnh xuất hiện dịch mủ, mỗi khi ho dịch mủ
chảy ra ngoài. Nếu không được điều trị kịp thời, các trường hợp bị bệnh
nặng, ngựa sẽ bị chết sau 6-12 ngày.
Số ngựa bị bệnh cấp tính thường chỉ thấy ở ngựa non trên dưới 1 năm tuổi, chiếm khoảng 15-20% số ngựa bị bệnh.
- Thể mãn tính: Ngựa
trưởng thành sau khi qua được thể bệnh cấp tính sẽ chuyển thành thể
bệnh mãn tính, kéo dài từ 1-4 tháng. Ngựa bệnh thể hiện: sốt giảm dần,
nhưng vẫn tăng nhiệt độ vào buổi chiều và ban đêm, từ 39-39,50C,
ho và thở khó tuy có giảm nhưng vẫn tồn tại suốt thời gian bị bệnh.
Ngựa ho nhiều và thở khó tăng lên khi phải vận động và khi thời tiết
thay đổi từ ấm áp sang lạnh ẩm trong các tháng mùa đông và đầu mùa xuân.
Ngựa bệnh gầy yếu dần, mất sức lao tác, thường chết do kiệt sức và suy
hô hấp.
Các
biểu hiện lâm sàng của ngựa bị viêm phế quản phổi đã được quan sát và
ghi nhận ở đàn ngựa xã Quan Thần Sán, huyện Si Ma Cai và ngựa bệnh ở Mù
Cang Chải.
Mổ ngựa chết và ngựa ốm do viêm phế quản phổi sẽ thấy :
- Thể cấp tính:Niêm
mạc đường hô hấp và hạch lâm ba đường hô hấp (hạch hầu, hạch phế quản)
bị viêm tụ huyết đỏ sẫm, niêm mạc phế quản, các nhánh khí quản có nhiều
dịch và bọt khí, cũng bị sung huyết đỏ. Các trường hợp viêm mủ, sẽ thấy
dịch mủ trong phế quản, khí quản và các thùy phổi khi cắt ngang thùy
phổi.
- Thể mãn tính:
Niêm mạc hô hấp tụ huyết nhẹ, đôi khi không rõ, có nhiều dịch mủ, bọt
khí ở khí quản và phế nang, làm cho ngựa khó thở, suy hô hấp. Một số
trường hợp còn thấy màng phổi dính vào lồng ngực và màng bao tim.
- Chẩn đoán lâm sàng và dịch tễ:
Các biểu hiện lâm sàng đặc trưng của ngựa như: ho, thở khó, giảm sức
lao tác... là cơ sở cho chẩn đoán lâm sàng ở các địa phương miền núi,
khi mà các điều kiện chẩn đoán phòng thí nghiệm còn gặp nhiều khó khăn.
- Chẩn đoán vi sinh vật:
Lấy bệnh phẩm: dịch đường hô hấp của ngựa ốm hoặc ngựa chết nuôi cấy
trên một số môi trường đặc biệt hoặc tiêm truyền cho động vật thí nghiệm
(chuột bạch, thỏ, ngựa con) có thể phân lập được các vi khuẩn gây bệnh:
Streptococcus equisimilis, Actinobacillus pleuropneumoniae, Staphylococcus aureus...
- Chẩn đoán huyết thanh học:
Các phương pháp chẩn đoán huyết thanh miễn dịch như: phương pháp trung
hoà (NT), phương pháp huỳnh quang gián tiếp (IFAT) đã được áp dụng để
chẩn đoán bệnh cho kết quả tốt ở các nước châu Âu.
Bệnh
viêm phế quản - phổi của ngựa được điều trị trên cơ sở : phối hợp các
kháng sinh đặc hiệu để diệt các vi khuẩn gây bệnh, kết hợp điều trị
triệu chứng và chăm sóc tốt ngựa bị bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị ngựa
bị bệnh mạn tính kéo dài thì hiệu quả còn chưa như mong muốn. Sau đây là
phác đồ điều trị ngựa bị viêm phế quản - phổi có hiệu quả:
Phác đồ 1:
-
Thuốc điều trị: phối hợp ampicillin với liều 30mg/kg thể trọng ngựa và
Kanamycin với liều 20 mg/kg thể trọng ngựa. Thuốc dùng tiêm liên tục từ
6-7 ngày cho ngựa nếu bệnh cấp tính, nếu bệnh mãn tính điều trị kéo dài
10-14 ngày. Từ ngày thứ 6 trở đi, liều kháng sinh chỉ dùng bằng 1/2 liều
trước đó.
Có thể dùng phối hợp sulfathiazon tiêm hoặc cho uống với liều 20mg/kg thể trọng cùng thời gian dùng kháng sinh.
-
Thuốc điều trị triệu chứng: Êphêdrin hoặc Theophillin tiêm cho ngựa với
liều 5-8ml/ngày (mỗi ống thuốc có 1 ml) sẽ làm cho ngựa dễ thở, giảm
bớt các cơn ho.
-
Thuốc trợ tim mạch: Tiêm cafein hoặc long não nước, vitamin B1, vitamin
C và truyền dung dịch nước đường và nước sinh lý với liều 1000ml/100kg
thể trọng ngựa/ngày.
- Hộ lý: Cách ly ngựa ốm để điều trị, nuôi ngựa ở nơi thoáng sạch, không có gió lùa, ấm áp và chăm sóc chu đáo.
Phác đồ 2:
-
Thuốc điều trị: Cephaflexin với liều 20mg/kg thể trọng, phối hợp với
Gentamycin với liều 3-4 đơn vị/kg thể trọng ngựa. Thuốc dùng riêng biệt,
không được hoà chung để tiêm. Điều trị liên tục 6-7 ngày cho ngựa bị
bệnh cấp tính và 10-14 ngày cho ngựa bị bệnh mãn tính. Với ngựa bị bệnh
mãn tính, từ ngày thứ 7 liều thuốc phải giảm đi 1/2 so với tuần đầu điều
trị.
Có thể dùng phối hợp sulfathiazon với liều 20mg/kg thể trọng ngựa (tiêm hoặc cho uống).
- Điều trị triệu chứng: như Phác đồ 1.
- Trợ sức: như Phác đồ 1.
- Hộ lý: như Phác đồ 1.
Phác đồ 3:
- Thuốc điều trị: Hanceft (Ceptiofur, RTS Septicus,Navet-cel).
- Dùng liều: 1ml/ 10 - 15kg thể trọng, 3 ngày/lần, tiêm bắp.
- Thuốc điều trị triệu chứng: như Phác đồ 1.
- Thuốc trợ sức: như Phác đồ 1.
- Hộ lý: như Phác đồ 1.
Phác đồ 4:
- Thuốc điều trị: Enrovet 10% INJ (RTD Enrofloxacin HN Enrovet 50T).
- Dùng liều: 1ml/20kg thể trọng. Tiêm bắp thịt 3 - 5 ngày.
- Thuốc điều trị triệu chứng: như Phác đồ 1.
- Thuốc trợ sức: như Phác đồ 1.
- Hộ lý: như Phác đồ 1.
-
Để phòng bệnh, người ta chế tạo một số loại vắcxin chết từ các chủng vi
khuẩn đã phân lập được, gọi là vắcxin chuồng (autovắcxin). Một số vắcxin đa giá phòng chống các loài vi khuẩn gây viêm phổi ngựa (Diplococcus pneumoniae, Streptococcus equisimilis, Actinobacillus pleuropneumoniae) cũng đã
được chế tạo để tiêm phòng bệnh viêm phế quản - phổi cho ngựa. Ở Viện
Thú y cũng đã chế tạo được Autovắcxin phòng bệnh cho đàn ngựa ở Mù Cang
Chải (Yên Bái) có hiệu quả.
-
Định kỳ kiểm tra đàn ngựa trong các vùng có lưu hành bệnh để phát hiện,
cách ly ngựa bị bệnh mãn tính hoặc mang trùng, điều trị kịp thời hoặc
xử lý để không lây lan bệnh trong đàn ngựa.
-
Thực hiện vệ sinh phòng bệnh bằng các biện pháp xử lý làm sạch chuồng
trại và môi trường chăn nuôi theo định kỳ phun các chất sát trùng cresyl
2%, nước vôi 10%, Virkon 0,1%, iodin 1%...