Phòng bệnh rau vụ đông

28/10/14
Hiện là thời điểm phát triển nhiều diện tích rau màu vụ đông ở đồng bằng sông Hồng. Thời tiết nhiều ngày qua luôn có sương mù vào sáng sớm và lạnh ban đêm. Đây là điều kiện thuận lợi cho một số vi sinh vật gây bệnh cây trồng phát sinh, gây hại; nhất là các loài nấm bệnh.

Nguyên tắc phòng bệnh hơn trị bệnh luôn được đặt lên hàng đầu. Bệnh hại cây trồng đều là những vi sinh vật mắt thường không nhìn thấy được, nên khi chúng xâm nhập gây hại thì người trồng mới biết. Vì thế cần tìm hiểu kỹ quy luật phát sinh, phát triển của các loài nấm, vi khuẩn gây bệnh cây trồng mà có biện pháp tác động kịp thời, hiệu quả.
Phòng bệnh rau vụ đông
- Bố trí gieo trồng với mật độ vừa phải: Nếu trồng thưa sẽ không năng suất dẫn đến hiệu quả thấp. Trồng mật độ quá dày sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát sinh gây bệnh mạnh, vì độ ẩm trên thân lá cây trồng lớn. Bệnh thối gốc lở cổ rễ hoặc thỗi nhũn vi khuẩn cũng dễ phát sinh khi mật độ dày... Do đó phải bố trí trồng mật độ vừa phải.

- Tạo cây khỏe: Làm được việc này là thành công một nửa, bởi cây trồng khỏe mạnh sẽ có sức chống chịu tốt, kháng được sâu bệnh hại và sinh trưởng phát triển thuận lợi hơn. Muốn vậy, việc bón phân tưới nước cho rau màu cần chú ý:

+ Không tưới nước quá đẫm hoặc để luống rau quá khô. Tốt nhất nên duy trì độ ẩm đồng ruộng ở mức 75 - 80% (đất tạo khối khi nắm và không có nước rỉ ra kẽ tay). Không nên tưới nước lúc chiều muộn, vì thân lá cây trồng về đêm còn đọng nước sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập dễ dàng.

+ Việc bón phân cho rau màu cần cân đối nhất là đạm và kali, đầy đủ về các yếu tố trung vi lượng Mg, S, Ca, Cu, Zn, Bo... thì cây trồng mới đảm bảo khỏe mạnh để chống chọi với những bất lợi của thời tiết cũng như dịch bệnh xung quanh.

+ Tuyệt đối không nên bón urê riêng lẻ, nhất là thời kỳ cây con hoặc giai đoạn cây phát triển thân lá. Vì bón đạm đơn thân lá cây trồng sẽ mềm yếu dễ bị sâu bệnh hại tấn công.

- Sử dụng thuốc phòng bệnh cho cây: Muốn làm tốt công việc này cần phải tìm hiểu kỹ về quy luật phát sinh phát triển của các vi sinh vật gây bệnh cũng như am hiểu về các loại thuốc phòng bệnh, cách sử dụng như thế nào cho tốt...

Như trên đã nêu, ẩm độ cao là môi trường thuận lợi cho các loài nấm, vi khuẩn gây bệnh cây trồng phát sinh và gây hại. Vì vậy, nếu thời tiết có sương mù hoặc mưa ẩm kéo dài cần tiến hành phun thuốc phòng bệnh cho cây định kỳ 5 - 7 ngày/lần.
Thuốc phòng bệnh được sử dụng và có hiệu quả cao nhất khi cây trồng chưa có triệu chứng bệnh. Nếu thấy ruộng rau đã chớm bị bệnh nên sử dụng thuốc đặc trị để phun mới có hiệu quả. Tốt nhất lúc này nông dân nên nhờ các cán bộ chuyên môn chẩn đoán và tư vấn kỹ thuật để đạt kết quả cao nhất.


Thuốc phòng bệnh cho cây trồng có 2 dạng sinh học và hóa học.

Thuốc sinh học là các chế phẩm: Nấm đối kháng Trichodecma phòng các bệnh về rễ cây trồng gây chết rũ. Nấm men Streptomyces hygroscopius var phòng bệnh chết rạp cây con trên cà chua, khoai tây... Các chế phẩm này khi phun cần sử dụng riêng rẽ, không được phối trộn với các thuốc hóa học.

Thuốc hóa học phòng bệnh là các thuốc thuộc nhóm gốc đồng như Boocdo 1%, Coc 85WP, Funguran - OH 50WP, Cuproxat 345SC, Vidoc... Đây là các thuốc có phổ tác động rộng dùng để phòng bệnh là chính.

Thực tế cho thấy, do không hiểu rõ về cơ chế tác động nên nhiều nông dân thường sử dụng các loại thuốc đặc trị bệnh dùng để phun phòng bệnh định kỳ cho rau màu như thuốc Rhidomil, Topsin... sẽ không mấy tác dụng khi phun vì nấm đã kháng thuốc, gây tốn kém, lãng phí.

Về cơ chế tác động, thuốc phòng bệnh là những loại thuốc có tác dụng bao phủ bề mặt thân lá cây trồng, ngăn chặn không cho nấm và vi khuẩn tấn công vào các tế bào cây.

Vì vậy, khi cây trồng chưa bị bệnh nhưng gặp thời tiết tạo thuận lợi cho bệnh hại phát sinh thì cần sử dụng thuốc này để phun lên toàn bộ thân lá, có tác dụng như một màng chắn, một lớp bảo vệ không cho vi sinh vật gây bệnh xâm nhập.