Kỹ thuật nuôi lợn nái

29/10/14
Để có lợn nái tốt, ta nên chọn giống lợn Yorkshire thuần hoặc con lai giữa Yorkshire và Landrace nuôi gây giống.
Sở dĩ chọn những giống lợn trên vì chúng có những ưu điểm sau: Đẻ sai con, nuôi con khéo, tuổi sử dụng kéo dài, khả năng tiết sữa tốt, chịu đựng tốt trong điều kiện khí hậu ở nước ta.

Những tiêu chuẩn để chọn nái tốt:
- Chọn những con nái hậu bị lúc 8 tháng tuổi có trọng lượng đạt 90-100kg.
- Dài đòn, mông vai nở, háng rộng, âm hộ xuôi.
- Bốn chân thẳng, khỏe, ống chân to.
- Có số vú từ 12 trở lên, có núm vú rõ, cách đều.
Kỹ thuật nuôi lợn nái

Đối với lợn giống và lợn nội địa muốn phối giống để có nhiều con, phải lưu ý những tiêu chuẩn sau.



1. Về tuổi lên giống (cấn đực) và phối giống:
- Lợn cỏ (ỉ, Móng Cái) lên giống lúc 3-4 tháng tuổi.
- Lợn lai (Ba Xuyên, Thuộc Nhiêu) lên giống lúc 6-7 tháng tuổi.
- Lợn giống thuần chủng (Yorkshire, Duroc) lên giống lúc 7-7,5 tháng tuổi.

Tuy là tuổi lên giống lần đầu như trên, nhưng khi phối giống muốn có nhiều con, ta nên bỏ chu kỳ lên giống đầu (nước đầu) mà phối giống (phủ nọc) vào chu kỳ 2. Vì lần lên giống đầu trứng rụng rất ít, nếu cho phối giống sẽ được ít con. Lợn tơ trứng rụng lần đầu trung bình 13,5+-2,1 trứng, lợn rạ mỗi lần lên giống trứng rụng bình quân 15,2+-2,2 trứng. Số trứng rụng này tùy thuộc vào giống lợn. Lợn rạ của một số giống lợn địa phương ở châu á có số trứng rụng bình quân 24-25 trứng/1 chu kỳ lên giống.


2. Về trọng lượng phối giống tốt nhất:
- Lợn cỏ (ỉ, Móng Cái): 45-50 kg.
- Lợn lai (Ba Xuyên, Thuộc Nhiêu): 70-80kg.
- Lợn giống (Yorkshire, Landrace, Duroc): 90-100 kg.

3. Về thời điểm phối giống tốt nhất.
Muốn cho nái đẻ nhiều con, ngoài chọn tuổi và trọng lượng lên giống, ta phải xác định thời điểm phối giống thích hợp nhất. Một chu kỳ lên giống của lợn là 21 ngày. Khi lên giống, lợn có biểu hiện: ăn ít, bỏ ăn, buồn bực, kêu rên suốt ngày, phá chuồng, thường nhảy lên lưng những con khác; âm hộ sưng lớn hơn bình thường và có màu đỏ mạng. Nếu dùng hai tay ấn nhẹ lên lưng lợn nái thì nó sẽ đứng yên, hai tai vểnh lên (đối với nái nuôi con thường lên giống sau khi tách con hoặc tách đàn từ 1-7 ngày).


Thời gian động dục của lợn nái biến động từ 3-5 ngày. Thời điểm phối giống thích hợp cho các loại lợn nái như sau:


- Đối với lợn nội: cuối ngày thứ 2 đầu ngày thứ 3.
- Đối với lợn ngoại và ngoại lai: cuói ngày thứ 3 sang đầu ngày thứ 4.

Thời điểm này có thể thay đổi tùy theo từng con, do đó cần phải quan sát biểu hiện của lợn lên giống. Nếu âm hộ từ chỗ sưng đỏ chuyển sang héo dần, có nếp nhăn và dịch nhờn tiết ra thì đó là thời điểm phối giống tốt nhất (đậu thai nhiều nhất). Nên phối vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Có thể phối 2 lần (nhất là phương pháp thụ tinh nhân tạo), một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi chiều hoặc ngược lại.


Đối với thụ tinh nhân tạo, nên chú ý không được dùng bơm tiêm đẩy mạnh tinh dịch vào âm hộ lợn mà nên kích thích từ từ để dạ con (tử cung) co bóp hút tinh dịch vào hai ống dẫn trứng (sừng tử cung).

Thức ăn cho lợn nái:
Thức ăn cho lợn nái
Ở vùng đồng bằng Nam Bộ, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ yếu là tấm, cám, khô dừa. Có thể dùng cho lợn nái mang thai và lợn nái nuôi con ăn, nhưng phải phối hợp khẩu phần khác nhau cho lợn nái mang thai và nuôi con. Vì ở giai đoạn mang thai từ 1-90 ngày nhu cầu dinh dưỡng cần ít hơn giai đoạn 90-114 ngày. Còn ở giai đoạn nuôi con thì nhu cầu dinh dưỡng cần cao hơn để tạo sữa.


Có thể thay tấm bằng ngô trong khẩu phần thức ăn cho lợn nái mang thai. Nếu ngô có sẵn và rẻ hơn tấm.

Ở vùng trồng nhiều sắn, ta có thể dùng sắn cho lợn nái mang thai, nhưng trong khẩu phần thức ăn chỉ nên cho sắn vào thay tấm hoặc ngô với tỷ lệ từ 8-10% mà thôi, không nên đưa nhiều vì chất độc trong sắn có thể ảnh hưởng đến lợn con hoặc bào thai, gây chết thai.
Không nên cho lợn nái mang thai ăn liên tục như lợn nái nuôi con, mà phải ăn hạn chế một ngày 2-3kg thức ăn hỗn hợp trên và chia làm 2 lần, sáng ăn 1kg và chiều ăn 1kg. Mục đích để lợn nái không béo quá, nhưng vẫn đủ chất dinh dưỡng nuôi bào thai.
Lưu ý: Gần tới ngày lợn nái mang thai đẻ, ta cho ăn tăng thức ăn từ 3-3,5kg cách 3 ngày trước khi đẻ và còn 2kg cách 1 ngày trước khi đẻ. Trong ngày lợn đẻ, ta chỉ nên cho ăn rau xanh để lợn nái dễ đẻ và sữa ít căng, tránh được bệnh sốt sữa.

- Ngày lợn đẻ cho ăn cháo + ít muối + rau xanh.
- Ngày thứ 2 cho ăn khoảng 1kg thức ăn hoặc ăn cháo tiếp.
- Ngày thứ 3 cho ăn khoảng 2 kg thức ăn.
- Ngày thứ 4 cho ăn khoảng 3kg thức ăn.
- Ngày thứ 5 trở đi cho ăn khoảng 4-6kg thức ăn/1 ngày.

Vitamin A, D, E rất cần cho lợn nái mang thai và lợn nái nuôi con.

Như vậy nếu trong khẩu phần thức ăn không được bổ sung vitamin ADE hoặc premix vitamin có chứa ADE thì ta phải tiêm vitamin ADE bổ sung cho lợn nái.

Với các loại vitamin ADE (Mỹ, Canada) có trên thị trường (1cc ADE chứa: A 500.000UI, D75.000UI, E 50mg) thì mỗi con tiêm liều 2cc/1 tháng là đủ.
Nếu khẩu phần thức ăn đã bổ sung đủ hàm lượng vitamin ADE theo nhu cầu của lợn nái thì không cần tiêm bổ sung vitamin ADE.



MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở LỢN
MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở LỢN


Lợn chết do tụ huyết trùng cấp
Hỏi: Lợn đẻ và lợn thịt đang khỏe mạnh bình thường, tiêm phòng đầy đủ, tuy nhiên chỉ bỏ ăn một hôm và lăn đùng ra chết, mổ ra thì thấy thận một bên bị thâm đen, gan thì bị nhạt màu? (Khán giả Nông Văn Thành – Đông Kỳ, Yên Thế, Bắc Giang)
Trả lời: Với những biểu hiện mà anh mô tả thì PGS,TS Phạm Ngọc Thạch chẩn đoán lợn đã bị mắc bệnh tụ huyết trùng cấp. Anh dùng một trong những sản phẩm chứa kháng sinh sau để điều trị bệnh:
- TETRA-COLIVIT 2g/1 lít nước uống
- Kết hợp dùng B-Complex C, liều lượng 5g/1kg thức ăn để tăng cường sức kháng bệnh, mau hồi phục sức khỏe.
Trong thời gian điều trị bệnh, tiến hành sát trùng chuồng trại ngày 1-2 lần bằng 1 trong 2 loại thuốc PIVIDINE hoặc ANTIVIRUS-FMB.


Bệnh sa ruột ở lợn con
Hỏi: Lợn con được nửa tháng bị lòi ruột ra ngoài hậu môn, xin hỏi cách khắc phục như thế nào? (Khán giả Nguyễn Huy Công – Phong Liên, Bảo Thắng, Lào Cai)
Trả lời: Tiến sỹ Trịnh Quang Tuyên – Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương cho biết: Lợn đã mắc bệnh héc ni mà bà con nông dân vẫn hay gọi là bệnh sa ruột. Đây là hiện tượng bẩm sinh thường gặp ở lợn đực. Để khắc phục hiện tượng này cho lợn, anh cần mời cán bộ thú y đến tiến hành phẫu thuật để đưa ruột lên xoang bụng, anh nên phẫu thuật càng sớm càng tốt bởi vì nếu để muộn thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế sau này. Sau khi phẫu thuật thì cần hạn chế cho lợn ăn, cho ăn thức ăn dễ tiêu để phân được mềm và sau khoảng 7 ngày thì cơ vòng hậu môn vững chắc anh có thể tiến hành cắt chỉ cho lợn.



Lợn mắc bệnh viêm phổi
Hỏi:
- Đàn lợn 30 kg, 1 con bị ho đã nửa tháng nay, ho nhiều vào ban đêm, đã dùng thuốc, cứ đỡ vài ngày lại bị lại. (Khán giả Vũ Văn Nho – Kim Lũ, Sóc Sơn, Hà Nội)
- Lợn bị sốt, thở khó, nằm dài, bại liệt, bỏ ăn và chết, mổ ra thì thấy một bên phổi bị thâm đen, một bên có bọt màu hồng, gan thâm đen, thận bị sưng (Khán giả Nguyễn Văn Phu – Hoàng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa)
- Lợn nái 15 ngày nữa là đẻ nhưng đang bị ho, vẫn ăn bình thường, có lây sang những con khác (Khán giả Nguyễn Duy Mạnh – Bình Dương, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)
- Lợn nái phối giống được hơn 10 ngày, hiện đang bị ho, xin hỏi như thế có ảnh hưởng đến lợn con hay không, cách điều trị như thế nào (Khán giả Phạm Khánh Đinh tại Thanh Hà , Hải Dương)
- Lợn bị ho gần 1 tháng, ăn uống bình thường đã tiêm thuốc thú y nhưng không có tác dụng, xin hỏi cách khắc phục như thế nào? (Khán giả Đinh Ngọc Việt – Yên Lãng, Thanh Sơn, Phú Thọ)
Trả lời: Với những triệu chứng mà bà con mô tả, TS Trịnh Quang Tuyên, Trung tâm nghiên cứu Lợn Thụy Phương cho biết, lợn đã bị mắc bệnh viêm phổi. Thời tiết chuyển lạnh trong thời gian gần đây cộng với sự xâm nhập của vi khuẩn trong không khí là điều kiện thuận lợi để bệnh suyễn, bệnh viêm phổi phát sinh trên đàn lợn. Lợn nái đang mang thai bị bệnh này thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của lợn con sau này. Bà con cần tiêm cho lợn 1 trong các loại kháng sinh sau đây:
- TIAMULIN 10% 1ml/10kg thể trọng
- TILOSIN – 200 1ml/20 kg thể trọng
Tiêm mỗi ngày 1 lần, liên tục từ 3-5 ngày, nghỉ 3 ngày sau đó tiêm cho đến khi hết triệu chứng.
Bên cạnh đó cần bổ sung cho lợn các loại thuốc bổ: B-COMPLEX, VITAMIN A, D, E, B1 để tăng cường sức đề kháng.
TS Trịnh Quang Tuyên cũng lưu ý thêm cho bà con khi tiến hành bắt lợn để tiêm thì bà con cần nhẹ nhàng, không được đuổi bắt vì nếu như lợn vận động quá sức thì có thể bị chết ngay ở trong chuồng và ngoài ra thì bà con cần tiến hành che chắn chuồng trại cẩn thận, tránh mưa tạt, gió lùa và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.


Phòng trị bệnh suyễn cho lợn
Hỏi: Lợn 85 kg bị đi phân lỏng, sốt, bỏ ăn, ho, lây lan nhanh, lợn đã bị được 20 ngày nay. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục. (Khán giả Nguyễn Văn Tiến ở Ứng Hòa, Hà Nội)
Trả lời: PGS, TS Phạm Ngọc Thạch tư vấn, với biểu hiện của lợn như anh mô tả thì lợn đã mắc bệnh suyễn. Để phòng, trị bệnh cho lợn thì anh và bà con cần thực hiện những công việc sau đây:
- Tiêm bắp thịt TYLOSIN, liều 20mg/1 kg thể trọng, liên tục 6 ngày, nghỉ 5 ngày lại tiếp tục dùng 5 ngày nữa.
- Dùng TIAMULIN, liều 20 mg/1 kg thể trọng kết hợp với KANAMYCIN 20mg/1 kg thể trọng và GENTAMYCIN liều 4 đơn vị/1 kg thể trọng, dùng liên tục 6-7 ngày.
- Trong quá trình điều trị, sử dụng các loại thuốc trợ sức, trợ lực như: VITAMIN B, VITAMIN C, CAFEIN,…
- Chuồng trại phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ, tránh ẩm ướt, trời rét phải ấm, tránh gió lùa, mật độ nuôi vừa phải.
- Cho lợn ăn đủ chất dinh dưỡng.
- Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thu gom phân rác, chất độn chuồng, chôn hoặc là ủ nóng sinh học.
- Định kỳ tuần 2 lần tiêu độc, khử trùng chuồng trại, cống rãnh, dụng cụ chăn nuôi bằng các loại thuốc, chất sát trùng như NaOH 2%, BENKOCID 0,4%... khu vực xung quanh chuồng nuôi dọn sạch cỏ rác, rắc vôi bột 0,2 kg/m2.
- Đối với trại lợn giống nên sử dụng vắc xin để tạo miễn dịch chủ động. Có thể sử dụng vắc xin POCILIC M của intervet Hà Lan tiêm dưới da. Lịch tiêm: 7-10 ngày tuổi tiêm lần 1, đến 21 ngày tuổi tiêm lần 2 và định kỳ 6 tháng tiêm 1 lần cho lợn nái, lợn đực giống.
Hỏi: Lợn nhà tôi 40 ngày tuổi bị nôn, ho, thở dốc. Lợn bị mọc mụn có mủ ở bụng như vậy là lợn đã mắc bệnh gì và cách chữa trị như thế nào? (Nguyễn Văn Minh ở Bắc Giang)
Trả lời: Lợn nhà anh đã mắc bệnh suyễn và bệnh thường ở thể mãn tính. Bệnh này sẽ làm cho lợn khó thở, gày còm ốm yếu và ho nhiều. Để phòng và trị bệnh này cho lợn anh cần thực hiện những công việc sau đây:
- Nhập lợn và xuất lợn cùng một đợt, không xuất nhập lẻ tẻ
- Vệ sinh tiêu độc chuồng trại thường xuyên
- Dùng TIAMULIN, TYLOSIN, CRD-STOP… trộn cám cho lợn ăn 3-5 ngày sau đó nghỉ rồi lặp lại 15 ngày
- Nâng cao sức đề kháng: HAN-CÁM: 500-700g/100kg thức ăn, dùng 1 ngày/tuần trong suốt quá trình nuôi.
- Đối với lợn bị bệnh tiêm HANOXYLIN L.A, HANFLOR L.A, HANSONE, MAXXIN, ENROTIS L.A…
- Ngoài ra có thể sử dụng BROMHEXIN, DICLORFENAC, HALAGIN.C… trợ hô hấp, giảm ho cho lợn.


Lợn nái không chịu phối giống
Hỏi: Lợn nái chưa đẻ lần nào nhưng thả đực 5 lần liền mà lợn nái vẫn không chịu phối, không hiểu tại sao, tôi có nên để con lợn này làm giống hay không? (Khán giả Hà Thị Trâm – Earông, Krông Pắk)
Trả lời: PGS. TS Lê Văn Năm, Phó Hội trưởng Hiệp hội sản xuất và kinh doanh thuốc thú y Việt Nam cho biết: Trường hợp lợn nái không chịu phối giống thì có thể do nhiều nguyên nhân, thứ nhất có thể chị cho lợn phối giống không đúng thời điểm nên lợn đã không chịu phối giống, chị và bà con nên quan sát kỹ, đặc biệt là thời kỳ chu kỳ động dục của lợn, nếu thấy lợn có những biểu hiện sau đây:
- Màu sắc âm hộ chuyển từ màu đỏ sang màu tím nhạt.
- Độ phù giảm dần và chuyển sang nhăn nheo.
- Dịch nhầy cô đặc lại, dùng 2 ngón tay thấm và kéo ra thì có dạng keo như sợi chỉ.
Nếu phát hiện thấy có những biểu hiện trên vào buổi sáng thì cần cho phối giống vào buổi chiều, nếu phát hiện thấy các biểu hiện này vào buổi chiều thì cho phối giống vào sáng hôm sau. Việc cho phối đúng thời điểm còn giúp cho kết quả phối giống được đảm bảo nhất.
Nguyên nhân thứ hai còn do con lợn đã bị viêm nhiễm đường sinh dục hay bị viêm tử cung, chị cũng nên mời nhân viên thú y đến khám để có kết luận chính xác và tiến hành điều trị, bởi vì lợn nái nếu bị viêm mà không được điều trị kịp thời thì có thể viêm nhiễm mãn tính, làm tắc ống dẫn trứng, u xơ tử cung và có thể sẽ mất khả năng sinh sản.

Khắc phục lợn không cho con bú
Hỏi: Lợn nái mới đẻ lứa đầu nhưng khi cho con bú thì lại cắn con, hỏi cách khắc phục như thế nào? Con lợn này có thể dùng để gây giống tiếp được hay không? (Khán giả Lê Văn Phúc - Hải Dương)
Trả lời: Do lợn mẹ bị căng thẳng, môi trường nuôi nhiều ánh sách và tiếng ồn, cũng có thể do răng nanh lợn con  chưa được bấm hết hoặc bấm nông nên khi lợn con bú mẹ sẽ làm lợn mẹ bị đau hoặc do lợn mẹ bị tắc tia sữa.
Khắc phục hiện tượng lợn mẹ không cho con bú như sau:
- Bấm răng nanh lợn con cho sát
- Che chắn chuồng trại kín đáo, hạn chế thăm nom, gây tiếng ồn để lợn được yên tĩnh
- Kiểm tra bầu vú lợn mẹ, nếu thấy vú sưng đỏ, sờ có cảm giác nóng, ấn vào vú nái có phản ứng đau thì lợn mẹ đã bị viêm vú. Điều trị bằng cách:
+ Dùng khăn ấm lau sạch dị vật, bụi bẩn bám vào bầu vú lợn mẹ. Tiêm 1 trong các loại kháng sinh sau: Ampicilline 10mg/kg P, hoặc Tetramycine 10mg/kg P hoặc Septortryl 1cc/10 kg P. Tiêm thuốc kháng viêm Dexamethasone cách dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Những loại thuốc trên có thể tiêm quanh gốc vú, tiêm 1 mũi/ngày, liên tục trong 3-4 ngày. Song song với các biện pháp trên cần cho lợn con tiếp cận vú mẹ. có thể buộc nhẹ chân lợn mẹ để lợn con có thể bú mẹ.
Khắc phục lợn sề đang có thai bỏ ăn, nôn mửa, tiêu chảy
Hỏi: Lợn sề đang có thai bỏ ăn, nôn mửa, tiêu chảy được 2 ngày. Lợn đã dùng thuốc kháng sinh tổng hợp và thuốc trị tiêu chảy nhưng không thấy tiến triển, xin hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục. (Khán giả Nguyễn Văn Lập - Chương Mỹ, Hà Nội)
Trả lời: Có thể lợn đã bị viêm ruột tiêu chảy. Theo nguyên tắc điều trị thì số ngày điều trị tối thiểu là 3 ngày liên tục. Nhiều trường hợp phải 5-7 ngày liên tục. Do anh mới điều trị cho lợn 2 ngày thì chưa khỏi ngay được.


Phòng bệnh giả dại cho lợn
Hỏi: Lợn bị lăn ra giữa chuồng, co rúm 4 chân, chân chổng lên trời, nổi gai ốc, kêu ầm lên sau đó thì nằm như chết. 5 phút sau tỉnh lại bình thường sau đó lại tiếp tục bị như vậy. Hiện tượng này xảy ra liên tục trong ngày, cả đàn lợn 35kg/1con và đàn lợn 8kg/1 con đều bị như vậy. Hiện nay lợn bệnh đã 3 ngày. Tôi có dùng thuốc Vilathavin, hỏi nguyên nhân và cách điều trị như thế nào? (Hoàng Thị Hiên ở Văn Giang, Hưng Yên)
Trả lời: Có thể lợn nhà chị đã mắc bệnh giả dại. Hiện nay không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Do đó phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất. Có thể làm như sau:
- Tiêu độc chuồng trại định kỳ hàng tuần bằng Vimekon 100g/20 lít nước.
- Chỉ mua và đưa vào trại những con lợn khỏe mạnh, không mang mầm bệnh, cách ly và theo dõi heo mới nhập đàn trong 30 ngày.
- Tiêm phòng đàn lợn khỏe bằng văcxin
- Lợn khỏi bệnh chỉ nên bán thịt, không sử dụng vào việc sinh sản


Phòng bệnh viêm khớp cho lợn
Hỏi: Lợn mẹ tách con được 20 hôm có 1 con bỏ ăn, 2 chân trước không đi được, toàn thân đỏ sốt hỏi nguyên nhân và cách khắc phục. (Khán giả Lăng Văn Hợp - Tam Đảo, Vĩnh Phúc)
Trả lời: Rất có thể lợn đã bị bệnh viêm khớp. Để phòng bệnh cần:
- Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, hạn chế sự lây lan mầm bệnh cho lợn
- Lưu ý khi bấm răng nanh, cắt đuôi cho lợn cần sát trùng dụng cụ. Tránh làm lợn bị tổn thương vì các dạng vết thương có thể tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể.
- Thường xuyên kiểm tra khớp gối, chân đuôi xem lợn có bị tổn thương không
Để điều trị, bổ sung CALPHOVIT 1g/600-800g thức ăn cho lợn ăn, ăn liên tục trong 3-5 ngày.
- Sử dụng kháng sinh: TOBRA-TYL 1ml/10kg P/ngày. Tiêm bắp 3-5 ngày. Tiêm bắp liên tục từ 3-5 ngày
- Hoặc VIMELINSPEC: 1ml/10kg P/ngfy. Tiêm bắp 3-5 ngày.
- Kết hợp DICLOFEN để điều trị viêm, giảm đau, giảm sốt. Dùng tiêm bắp điều trị 1-3 ngày. Liều 1ml/10kg P/ngày.

Lợn chửa 4-5 tháng mà chưa thấy đẻ
Hỏi: Lợn nái chửa được từ 4-5 tháng nay mà chưa thấy đẻ. Xin hỏi như vậy tôi có phải tiêm thuốc kích thích hay không? (Nguyễn Thị Yên - Đức Hạnh, Đức Linh, Bình Thuận)
Trả lời: Câu hỏi của chị đã được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, giảng viên trường Đại học nông nghiệp Hà Nội tư vấn như sau: Thời gian mang thai của lợn là 3 tháng,3 tuần, 3 ngày và có dao động lên xuống 4- 5 ngày. Do đó, trong trường hợp lợn nái của gia đình chị rất có thể sau khi phối giống không có chửa hoặc sau khi phối giống lợn nái có chửa nhưng trong thời gian có chửa lợn không được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hoặc do tác động bất lợi của điều kiện ngoại cảnh hoặc do ảnh hưởng của một số bệnh như bệnh tai xanh, bệnh thai gỗ, bệnh xoắn khuẩn làm cho lợn teo thai hoặc sảy thai ở kỳ chửa đầu.


Lợn nái bị ít sữa
Hỏi: Lợn nái sau khi đẻ con xong thì bị ít sữa. Xin hỏi tôi phải cho ăn thức ăn như thế nào để lợn có nhiều sữa? (Nguyễn Văn Đô, Đồng Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Trả lời: PGS, TS Phạm Ngọc Thạch, giảng viên trường Đại học nông nghiệp Hà Nội tư vấn như sau: Lợn nái đẻ bị thiếu sữa là do lúc mang thai không được ăn uống đầy đủ thức ăn cũng như dưỡng chất cần thiết. Để duy trì sữa lâu dài và không gây hại cho lợn, anh Đô và bà con chăn nuôi có thể khắc phục được tình trạng lợn nái ít sữa từ sự kết hợp thức ăn từ động thực vật như sau: Lấy một quả đu đủ chín còn nguyên vỏ nhưng bỏ hột hầm với 4 cái chân chó cho ăn liên tục vào buổi sáng 3 ngày đầu, sau đó cứ hai ngày cho ăn một lần, liên tục trong 10 ngày hoặc anh lấy 1kg gạo lứt, 1kg cá mè nhỏ loại 100g/con, 2 kg cà chua chín, 0.5 kg rau diếp cá nấu chín trộn với thức ăn chia làm 3 bữa trong ngày, cho ăn liên tục 4 ngày. Trường hợp lợn phải nuôi nhiều con thì anh vừa phải nuôi như trên, đồng thời ngăn riêng lợn con ra sau khi bú xong và chủ động cho lợn bú ngày 4 lần, đêm 2 lần. Nếu thả chung cùng lợn mẹ, lợn con hơi đói là đòi bú nên lợn mẹ hay nằm sấp, đầu vú áp xuống nền chuồng bị bẩn và rất dễ gây cho lợn con bệnh đường ruột, tiêu chảy dài ngày. Hoặc anh có thể dùng lá sung nấu với gạo nếp cho lợn ăn hàng ngày, liên tục 7-10 ngày; dùng bột kích sữa trộn vào thức ăn hàng ngày cho lợn và dùng OXYTOXIN tiêm cho lợn. Liều lượng và cách dùng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.


Lợn nái ho có ảnh hưởng đến thai không
Hỏi: Nhà tôi nuôi lợn nái, hiện đang có chửa được 3 tháng .Lợn có biểu hiện bị ho, có con bỏ ăn có con không ăn. Tôi xin hỏi giờ tôi tiêm thuốc ho có ảnh hưởng gì đến thai của lợn ko? (Lê Văn Thực - Cẩm Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội)
Trả lời: Phó Giáo sư Phạm Ngọc Thạch, giảng viên trường ĐH nông nghiệp HN đã tư vấn như sau: Khi lợn mang thai mà tiêm vacxin thì sẽ có ảnh hưởng đến lợn. Còn với việc tiêm thuốc, nếu khi tiêm thuốc anh sử dụng đúng thuốc theo chỉ dẫn và đúng liệu trình thì không ảnh hưởng lớn lợn mẹ và lợn con.

Lợn đực thả giống bị trượt
Hỏi: Nhà tôi chăn nuôi lợn đực để thả giống, hiện giờ lợn được 2 năm tuổi. Từ cách đây 1 tháng, lợn đi giống không được, gần như bị trượt 100%. Xin hỏi tại sao lại như vậy? (Lê Quang Phương - Hồng Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa)
Trả lời: Phó Giáo sư Phạm Ngọc Thạch, giảng viên trường ĐH nông nghiệp HN cho biết hiện tượng lợn giống phối giống bị trượt có thể do mấy nguyên nhân như sau: Do chăm sóc nuôi dưỡng kém, do khai thác quá nhiều và không đúng kỹ thuật, do ảnh hưởng của một số bệnh như: bệnh tai xanh, bệnh xuyễn, bệnh xoắn khuẩn… Tất cả những nguyên nhân trên đều ảnh hưởng đến chất lượng của tinh trùng. Do vậy, anh cần xác định lại xem lợn nhà anh do nguyên nhân nào trong các nguyên nhân trên để từ đó có biện pháp can thiệp thích hợp và hiệu quả cao.


Lợn bỏ ăn, ngủ nhiều
Hỏi: Lợn được hơn 1 tháng nặng trên 30kg. 1 con bỏ ăn, cả đàn chỉ ngủ đã bị được 3 ngày nay mà không thấy có biểu hiện gì khác. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục như thế nào? (Anh Nguyễn Văn Sơn - Mỹ Đức, Hà Nội)
Trả lời: Để có được kết quả chuẩn đoán chính xác thì anh cần theo dõi cụ thể để xem đàn lợn có những triệu chứng điển hình từ đó mới có cơ sở để chuẩn đoán bệnh một cách chính xác. Trong thời gian theo dõi, cần thực hiện các bước tiến triển của bệnh và nâng cao sức đề kháng cho lợn như sau: Tiến hành tẩy uế chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và môi trường xung quanh, chăm sóc nuôi dưỡng tốt đàn lợn; Dùng thuốc nâng cao sức đề kháng đàn lợn như: Glucok – C; FIVE – Cảm cúm; Vitamin C; thuốc điện giải; thuốc giải độc gan – thận theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Dùng kháng sinh đề phòng như Amocyclin hoặc Enrofloxacin theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.


Rối loạn sinh sản ở lợn
Hỏi: Lợn đẻ lúc 2 giờ sáng được 7 con có 3 con sống 4 con chết lưu bé bằng ngón chân cái hiện chưa ra nhau thai, đây là lứa đầu tiên, xin hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục? (Anh Đào Văn Mạnh - Khoái Châu, Hưng Yên)
Trả lời: Đây là một trong những triệu trứng của hiện tượng rối loạn sinh sản ở lợn và để khắc phục anh cần làm như sau: Nếu nhau thai chưa ra hết cần tiêm OXYTOCIN liều 2ml/1 nái, ngày tiêm 2 – 3 lần, tiêm liên tục trong vòng 2 ngày. Thụt rửa tử cung bằng dung dịch thuốc tím 0,1% ngày thụt rửa 1 lần và liên tục 3 – 5 ngày và bỏ qua 2 lần động dục sau đó mới cho phối giống. Tiêm thuốc trợ lực, trợ sức và thuốc hạ sốt như Vitamin C, B1, ANACIN C, liều dùng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.


Trị bệnh phó thương hàn ở lợn
Hỏi: Lợn 10kg 1 con hiện có hiện tượng mắt lừ đừ đi ngoài phân lỏng da lợn đen lại giống như bôi thuốc tím lúc đầu bị ở chân sau đó bị ở cả bụng và tai xin hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục? (Anh Nguyễn Đình Văn - Hậu Lộc, Thanh Hóa)
Trả lời: Như anh miêu tả rất có thể đàn lợn bị mắc bệnh phó thương hàn. Để trị bệnh này cho lợn anh và bà con cần thực hiện như sau: Vệ sinh phòng bệnh, định kỳ sát trùng chuồng trại, máng ăn, máng uống, đảm bảo cung cấp đủ thức ăn và uống sạch, không cho lợn ăn thức ăn hôi thiu, ấm mốc. Phòng bệnh bằng vaccine: Định kỳ tiêm phòng vaccin phó thương hàn cho lợn con và lợn thịt theo quy trình tiêm phòng vaccine tại địa phương. Riêng với lợn nái, nên tiêm trước khi phối giống 10 – 15 ngày là tốt nhất để lợn con khi sinh ra có khả năng miễn dịch do sữa mẹ chuyền sang chống bệnh trong thời gian đầu. Về điều trị phó thương hàn ở lợn cần sử dụng một trong các loại thuốc kháng sinh sau: CLORFENICOL liều 1ml/20kg P, GENTAMYCINE liều 20 – 50mg/kg P 2 lần/ ngày. TYLOPC liều 1 – 2 ml/10 kg P. Kết hợp thuốc bổ trợ VITAMIN B1 2,5% liều 5ml/con/2 – 3 tháng. VITAMIN C 5% liều 5 – 10 ml/con/2 – 3 tháng. Chia làm 2 lần/ ngày Liều điều trị 3 – 5 ngày liên tục. Ngoài ra, dùng dung dịch GLUCOSE 5%, CHLORUA NATRI 0,9%. Liều tiêm cho cả 2 dung dịch là 200 – 300 ml/con/lần/ngày hoặc tiêm riêng từng loại dung dịch hoặc pha chung thành 1 lần, theo tỷ lệ 1/1.